Phông chữ là một thành phần quan trọng trong thương hiệu. Lựa chọn đúng kiểu văn bản có tác động rất lớn đến "cảm xúc" và có thể kết nối người tiêu dùng với khía cạnh tốt nhất của thương hiệu.
Phân biệt Typeface và Font
Trước khi đi sâu vào nội dung bài viết, hãy cùng Rubyk phân biệt hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn, mặc dù chúng rất khác nhau, đó là: Typeface và Font.
- Typeface hay Font Family là một tổ hợp những font chữ có cùng điểm chung trong thiết kế, không chịu giới hạn về kích thước cũng như định dạng (Ví dụ: Arial là một kiểu Typeface)
- Font thuộc Typeface và là biến thể của Typeface với định dạng xác định (Arial Regular, Arial Bold, hay Arial Italic...)
Phân cấp Typographic - cách điều hướng mắt người đọc thông qua thiết kế
Muốn thông điệp được truyền tải một cách rõ ràng, các nhà thiết kế cần trình bày nội dung theo từng cấp độ khác nhau để điều hướng ánh mắt người xem theo đúng thứ tự: từ điểm a đến điểm b,c,d,e...
Hệ thống phân cấp này được thể hiện rõ ràng nhất trong thiết kế biên tập. Thông thường khi lướt qua một ấn phẩm thiết kế nào đó, điều đầu tiên đập vào mắt họ là tiêu đề, tiếp đó là tiêu đề phụ và cuối cùng là nội dung văn bản và dữ liệu bổ sung.
Ba cấp độ này thường được thể hiện theo thứ tự kích thước giảm dần. Bằng cách phân cấp thông tin từ quan trọng nhất đến ít quan trọng, người xem sẽ tiếp thu thông tin này một cách tuần tự.
Phân cấp thông tin trong thiết kế. Ảnh: Freepik
Các loại Typeface và tính cách của chúng
Tương tự như màu sắc, mỗi typeface cũng có một tính cách riêng, một ý nghĩa riêng. Vì vậy, hiểu được thông điệp mà mỗi typeface truyền tải sẽ giúp quá trình lựa chọn kiểu chữ trở nên dễ dàng hơn.
Nhìn chung, tất cả font chữ hiện có đều có thể được nhóm thành 6 typeface chính sau:
Serif
Kiểu chữ có chân, là một đường thẳng hoặc một nét nhỏ trong thành phần của chữ. Serif truyền tải cảm giác truyền thống, cổ điển, sự tin tưởng và sang trọng. Font này phù hợp với các thương hiệu lâu đời, uy quyền và cao cấp trong một số ngành như thời trang, tài chính, bảo hiểm: Rolex, Tiffany & Co, Gucci, Generali…
Sans Serif
Ngược lại với Serif, San Serif là kiểu chữ không chân với các cạnh mượt mà, gọn gàng. Kiểu chữ này mang đến cảm giác hiện đại, đơn giản, rõ ràng và thân thiện hơn. Loại font này thường được các thương hiệu về công nghệ, startup trẻ trung, sáng tạo lựa chọn: Microsoft, Panasonic, Facebook…
Slab Serif
Là một biến thể của Serif, nhưng Slab Serif to và đậm hơn mang tới cảm giác mạnh mẽ, tự tin và nam tính. Các thương hiệu bia và xe hơi có xu hướng sử dụng kiểu chữ này: Heineken, Honda, Volvo… và ngay cả Rubyk cũng đang sử dụng kiểu chữ này.
Decorative hay Display
Là kiểu chữ được biến đổi theo hướng vui vẻ, độc đáo, khác biệt thậm chí lập dị hơn so với các font chữ khác, Decorative phù hợp với các thương hiệu muốn thể hiện cá tính thương hiệu riêng và kết nối cảm xúc với đối tượng mục tiêu.
Các thương hiệu như Fanta, LEGO, Disney, McDonald's và nhiều thương hiệu khác đã áp dụng typeface này.
Handwritten
Là kiểu chữ viết tay, mang tính cá nhân, mang đến cảm giác thân thiện, gần gũi và vui tươi hơn các font chữ khác.
Các thương hiệu như Barbie, Kellogg's, Harrods... đang sử dụng kiểu chữ này.
Script
Là một kiểu font chữ viết tay, Script gợi lên cảm giác thanh lịch, duyên dáng, gần gũi nhưng không kém phần khác biệt. Kiểu chữ này thích hợp với các thương hiệu liên quan đến mỹ phẩm, thời trang và nghệ thuật... Một số thương hiệu sử dụng kiểu chữ này có thể kể đến: Kiehl's, Coca-Cola, Instagram, Cadbury
Font chữ ảnh hưởng thế nào đến bản sắc thương hiệu và thông điệp muốn truyền tải?
Font chữ không chỉ giúp thương hiệu trở nên độc đáo và dễ nhận diện mà còn truyền tải các giá trị của thương hiệu. Việc sử dụng font chữ phù hợp sẽ giúp cho thương hiệu trở nên chuyên nghiệp, sáng tạo, tinh tế, độc đáo hơn. Font chữ cũng có thể truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và đầy đủ hơn.
Font chữ là một thành phần quan trọng của thương hiệu. Lựa chọn đúng kiểu văn bản có tác động rất lớn đến "cảm xúc" và có thể kết nối người tiêu dùng với khía cạnh tốt nhất của thương hiệu.
Thực tế, rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới chỉ sử dụng chữ trong logo của họ chứ không phải hình ảnh, điều này cho thấy kiểu chữ có thể có tác động mạnh mẽ như thế nào.
Cách lựa chọn font chữ phù hợp với thương hiệu
Để lựa chọn font chữ phù hợp với thương hiệu, cần xem xét các yếu tố như: tính cách của thương hiệu, đối tượng khách hàng, mục đích sử dụng… Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi chọn font chữ cho thương hiệu:
Chọn font chữ đồng nhất và dễ nhận diện: Sử dụng một hoặc hai font chữ đồng nhất trên tất cả các kênh truyền thông của thương hiệu sẽ giúp cho khách hàng dễ dàng nhận ra thương hiệu của bạn hơn.
Font chữ là yếu tố được đầu tư lựa chọn kỹ càng trong mỗi thiết kế bộ nhận diện cho thương hiệu của Rubyk
Tránh sử dụng quá nhiều font chữ khác nhau: Sử dụng quá nhiều font chữ khác nhau vừa làm cho thương hiệu của bạn trở nên rối rắm, khó nhớ với khách hàng vừa trở nên kém nổi bật và không ấn tượng.
Chọn font chữ dễ đọc: Các phông chữ trong nội dung không phải lúc nào cũng to và đậm như tiêu đề, nhưng chúng phải dễ đọc trong nháy mắt, bởi người dùng không có nhiều thời gian cho việc mày mò tìm đọc một thiết kế rối mắt.
Chọn font chữ có nhiều trọng số: Một phông chữ có thể có nhiều trọng số, chẳng hạn như Weight (Regular, medium, bold, heavy), Width (narrow, condensed, extended), Size, Italics/Underline, Outline stroke. Chọn một phông chữ có nhiều trọng số là rất quan trọng để xây dựng một hệ thống phân cấp văn bản hấp dẫn trực quan. Bởi mỗi một thay đổi nhỏ cũng tạo nên khác biệt lớn cho mục tiêu muốn truyền tải.
Tìm tư vấn từ các chuyên gia thiết kế để tạo riêng font chữ độc đáo và phù hợp với thương hiệu.
Gợi ý cách kết hợp kiểu chữ hiệu quả
Kết hợp nhiều phông chữ với nhau giống như mua sắm quần áo. Cái này phải bổ sung cho cái kia để thể hiện cá tính thương hiệu của bạn trong cái nhìn tổng thể.
Bởi mỗi phông chữ đều có một đặc điểm và cá tính riêng, nên khi chọn phông chữ cho doanh nghiệp, bạn bắt buộc phải chọn những phông chữ phù hợp với bản sắc thương hiệu của mình.
Mặc dù không có quy định cụ thể số lượng font chữ trong mỗi logo, nhưng thông thường trong mỗi logo chỉ sử dụng từ 1-3 loại để không gây rối mắt và truyền tải thông điệp một cách thống nhất.
Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ nếu muốn sử dụng 3 font chữ trong logo, bởi phần nhận diện có vẻ khó nhớ, điều này thường xuất hiện ở các logo thương hiệu nhỏ, chưa có định hướng rõ ràng về thương hiệu của mình.
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một số cách kết hợp các cặp kiểu chữ hoạt động tốt nhất cho thương hiệu:
Serif + Sans Serif
Sự kết hợp giữa Serif và Sans Serif là một trong những kiểu phổ biến nhất. Các thương hiệu sử dụng sự kết hợp này để tạo ra một thiết kế rõ ràng, sắc nét và dễ nhìn. Các đặc tính hiện đại của Sans Serif hoàn toàn phù hợp với mức độ dễ đọc và đáng tin cậy của Serif. Điều quan trọng khi lựa chọn cách kết hợp này là phân chia vai trò tiêu đề - phụ đề cho hợp lý để thiết kế nổi bật và ấn tượng hơn.
Sans Serif + Script
Kiểu chữ Script tạo nên sức hút trực quan rất tốt cho thương hiệu, tuy nhiên chúng thường không được dùng trong nội dung văn bản vì không dễ đọc. Như một cách để bổ sung tính chất sáng tạo cho thiết kế, kiểu chữ Script kết hợp với Sans Serifs sẽ mang lại cho thiết kế một cái nhìn độc đáo.
Sans Serif + Sans Serif
Cùng một typeface Sans Serif, chỉ cần thay đổi các yếu tố về độ mỏng-dày, độ đậm-nhạt, độ to-nhỏ, độ cao-thấp bạn có thể tạo ra những biến đổi rõ rệt cho thông điệp muốn truyền tải.
Kết
Font chữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình bản sắc thương hiệu và truyền tải thông điệp. Việc lựa chọn font chữ phù hợp có thể giúp thương hiệu trở nên độc đáo và thu hút khách hàng. Chọn font chữ đúng cách sẽ giúp thương hiệu truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và đầy đủ hơn, tạo ra sự chuyên nghiệp, sáng tạo, tinh tế và độc đáo cho thương hiệu.
Tại Rubyk, chúng tôi không chỉ lựa chọn kiểu chữ phù hợp với tính cách của từng thương hiệu mà còn tự mình sáng tạo nên các font chữ mới để tạo nên nét đặc biệt riêng của mỗi khách hàng.