Làm thế nào để logo thể hiện được tính cách, thông điệp của thương hiệu, đồng thời đóng vai trò như bộ mặt của thương hiệu? Dưới đây là 10 tips thiết kế giúp logo của thương hiệu trở nên tốt hơn.
Logo là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng nhận diện thương hiệu. Thiết kế logo luôn đòi hỏi sự sáng tạo không giới hạn của người thiết kế để tạo ra những ý tưởng khác biệt nhưng vẫn phải đảm bảo truyền tải được mục đích cũng như thông điệp của thương hiệu. Chính vì thế, một thiết kế logo nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Vậy một thiết kế logo tốt cần thể hiện được điều gì và làm nổi bật những ý nghĩa như thế nào?
Những logo thành công nhất là những logo có tính linh hoạt và hoạt động trong nhiều không gian. Tuy nhiên, quá trình tạo logo cần đầu tư nhiều thời gian, kiên nhẫn và nỗ lực đáng kể. Từ newbie cho đến những nhà thiết kế dày dạn kinh nghiệm, tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ việc học các mẹo thiết kế logo dưới đây.
Trước khi bắt tay vào triển khai hoạt động, thương hiệu cần xác định rõ mục tiêu của dự án thiết kế logo, những gì bạn muốn đạt được với logo này và vạch rõ những việc cần làm để đạt được điều đó. Một điều cần ghi nhớ là thương hiệu và logo không giống nhau. Nếu xây dựng thương hiệu là một nghệ thuật đa sắc thái để định hình thương hiệu, thì logo đóng vai trò là hình ảnh đại diện cho chính thương hiệu đó. Cả hai đều quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhưng chúng không giống nhau.
Khi thiết kế logo, hãy bắt đầu bằng một bản brief thiết kế để có thể bao quát những thông tin cần thiết và nắm bắt được tinh thần của việc thiết kế logo.
Với sự phổ biến của các phần mềm kỹ thuật số như Adobe Creative Cloud, nhiều designer thường bỏ qua bước sketch, tuy nhiên sketch là một công đoạn vô cùng quan trọng trong bất kỳ quy trình thiết kế nào. Sketch không phải là một tác phẩm hoàn thiện hay quá chi tiết nhưng nó giúp ghi lại những ý tưởng sơ bộ để bạn dễ dàng hình dung và phát triển từ ý tưởng ban đầu.
Logo sketch là công đoạn quan trọng trong quy trình thiết kế. Ảnh: Dribbble
Thông qua sketch bạn có thể nhanh chóng chia sẻ ý tưởng của mình với người khác. Đồng thời giúp bạn xác định được điểm thích hoặc không thích trong quá trình thiết kế logo. Đối với những ý tưởng không quá phức tạp, sketch thường nhanh hơn so với làm việc trên các phần mềm thiết kế. Nghiêm túc mà nói, một nét vẽ nguệch ngoạc có thể mang lại nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo hơn.
Logo không chỉ đơn giản là hình ảnh đại diện cho thương hiệu mà còn là con đường hiệu quả để kể cho khách hàng nghe về câu chuyện của doanh nghiệp. Do đó, hãy cố gắng lồng ghép câu chuyện thương hiệu trong quá trình thiết kế logo bằng cách thiết lập các từ khóa phù hợp với định hướng và tính cách của thương hiệu. Những từ khóa này cũng sẽ trở thành định hướng để quá trình thiết kế logo không bị lạc hướng.
Ý nghĩa bên trong một logo không nhất thiết phải quá rõ ràng, nhưng nó cần ẩn chứa thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải. Chẳng hạn, mũi tên trên logo của FedEx, hay hình một người đang đạp xe trên logo của Tour De France, logo của Baskin Robbins bao gồm con số "31" tượng trưng cho 31 hương vị của tất cả các ngày trong tháng…
Logo giải đua Tour De France có hình người đang đạp xe. Ảnh: Wikipedia
Màu sắc là yếu tố có vai trò quan trọng đối với nhận diện thương hiệu, nhưng đôi khi thiết kế logo bằng màu sắc có thể cản trở quá trình động não sáng tạo của nhà thiết kế. Bắt đầu logo với hai màu đen, trắng có thể giúp bạn tập trung hơn vào các hình dạng và chủ đề quan trọng. Sau khi đã hài lòng với phiên bản logo đơn sắc, hãy bắt đầu với những phiên bản màu sắc hơn.
Bắt đầu với các phiên bản đen trắng để tập trung vào các yếu tố thiết kế quan trọng hơn
Một logo “tốt” phải đơn giản, dễ nhớ và không quá phức tạp. Ngoài ra, các logo đơn giản có xu hướng linh hoạt và mang lại hiệu quả hơn trong việc dành được sự chú ý của khách hàng. Triết lý “less is more” luôn đúng, đặc biệt trong thiết kế logo. Logo không cần quá cầu kỳ, kiểu cách, trên thực tế không gian âm (Negative Space) giúp logo trở nên “sạch sẽ” và nhẹ mắt hơn. Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới có logo cực kỳ đơn giản như Apple, Channel, Spotify hay Thế vận hội Olympic.
Logo với 5 hình tròn lồng vào nhau đơn giản của Thế vận hội Olympic
Logo phải dễ nhớ, dễ tiếp nhận và độc đáo, nó không nhất thiết phải là một sự pha trộn của các ký tự và hình dạng đặc biệt. Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Lululemon Athletica, Nike, Pepsi và Twitter đã chứng minh rằng một logo có thể mang lại thành công mà không cần có chữ cái nào cả. Hay các thương hiệu như Sony, Google, Panasonic và Victoria’s Secret lại cho chúng ta thấy rằng một logo đem lại hiệu quả mà không cần bất kỳ hình dạng hay biểu tượng nào. Ngoài ra, cũng có rất nhiều thương hiệu kết hợp hài hòa giữa từ ngữ và hình dạng để phát triển mạnh mẽ hơn như National Geographic, Microsoft, Ford và Levi’s.
Tất nhiên, không có câu trả lời chính xác về việc sử dụng chữ cái hay hình dạng sẽ mang lại thành công hơn. Do đó, hãy sáng suốt và lựa chọn con đường phù hợp nhất với thương hiệu của mình.
Một logo cần phải linh động với nhiều kích thước, vị trí và chất liệu khác nhau. Logo vừa phải rõ ràng, dễ nhìn ở mọi kích thước trên các ấn phẩm khác nhau, từ online đến offline, từ bao bì đến danh thiếp, đồng phục công ty.
Logo có kích thước nhỏ trên website nhưng sẽ được phóng to trên các biển quảng cáo ngoài trời. Do đó, trong quá trình thiết kế và in ấn cần đặc biệt chú ý đến khả năng hoạt động của logo trong nhiều kích cỡ khác nhau.
Hầu hết các thương hiệu đều có nhiều biến thể logo khác nhau bởi không phải mọi logo đều hoạt động tốt trong mọi không gian và chất liệu khác nhau. Đó cũng là khi các biến thể logo trở nên hữu ích.
Tạo logo chính và các logo phụ để đảm bảo rằng bạn có thể sử dụng logo của mình trong cả không gian ngang và dọc. Thông thường, logo chính có chiều ngang hơn và logo phụ có chiều dọc hơn. Logo chính sẽ là logo hoàn chỉnh và phức tạp nhất, còn logo phụ sẽ đóng vai trò như một phần hỗ trợ hữu ích.
Bên cạnh phiên bản chính, cần tạo thêm các phiên bản logo phụ. Ảnh: Logo Rubyk Agency
Tính xác thực, tính nguyên bản và quyền sở hữu là những yếu tố quan trọng của quá trình sáng tạo. Ngoài ra, độc đáo cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công trong việc định vị thương hiệu hiệu quả. Khi bắt tay vào thiết kế logo hãy tự hỏi rằng logo này có trùng với brand nào trước đó không.
Thực tế, đã có rất nhiều tranh chấp về những sự trùng hợp trong logo của các thương hiệu. Năm 2014, Airbnb thực hiện rebrand nhưng lại có sự trùng hợp bất ngờ với logo của startup Automation Anywhere. Sau đó vào năm 2017, một tình huống tương tự đã xảy ra trong vụ kiện giữa Paypal và Pandora, khi Pandora tìm cách làm mới logo và “không may” lại tạo ra logo trông quá giống với logo của PayPal.
Logo PayPal và Pandora. Ảnh: The Verge
Trong bất kỳ trường hợp nào, tôn trọng bản quyền là nguyên tắc không thể bỏ qua. Do đó, để tránh bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào liên quan đến vấn đề pháp lý hay đạo đức, hãy thực hiện tìm kiếm và nghiên cứu với ý tưởng logo mà bạn đang chuẩn bị thực hiện.
Thương hiệu phát triển theo thời gian và logo cũng vậy. Một logo không nhất thiết phải tồn tại vĩnh viễn theo như cách nó được tạo ra ngay từ đầu và bạn hoàn toàn có thể update nó nếu cần thiết. Rất nhiều thương hiệu lâu đời, nổi tiếng đều đã từng thay đổi logo để trở nên phù hợp hơn với xu hướng thẩm mỹ hiện đại và hành vi mới của người tiêu dùng như Gucci, Instagram, Firefox, IKEA, McDonald’s, Starbucks…
Một lưu ý khi quyết định sửa đổi logo là hãy cố gắng không đi quá xa so với bản gốc. Giữ lại những đặc điểm nổi bật và giảm bớt những chi tiết không còn phù hợp. Bằng cách đó, sẽ không làm ảnh hưởng quá nhiều đến hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Kết
Trên đây là 10 mẹo thiết kế giúp bạn tối ưu quá trình thiết kế logo của mình, đừng quên lưu lại để áp dụng nhé.